(NQL) Những tưởng, Thế Giới Di Động sẽ chỉ giới thiệu qua loa về hệ thống quản trị bằng công nghệ của mình trong sáng hôm nay (25/08/2017). Nhưng không, các nhân sự của họ đã giới thiệu rõ ràng từng “chân tơ, kẻ tóc” những “thâm cung bí sử” của thứ được đánh giá là đã giúp họ lọt vào danh sách Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2016.
Khác với hình ảnh trên poster của buổi hội thảo của chương trình Vietnam Business 4.0 Roadshow 2017 (AnhGroup và CSMO tổ chức) với chủ đề Giải mã hệ thống quản lý Thế Giới Di Dộng; diễn giả chính trên sân khấu không phải là Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, mà là 2 nhân sự cao cấp ở bộ phận Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nếu ai đó từng tìm hiểu về triết lý quản lý của doanh nhân này hẳn sẽ hiểu vì sao lại thế. Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng nhiều lần chia sẻ, ông luôn trao quyền quyết định/thể hiện cho người am hiểu vấn đề nhất.
Trong buổi suốt buổi hội thảo, Giám đốc và Phó giám đốc bộ phận Công nghệ thông tin của Thế giới di động đã trình bày vô cùng chi tiết thượng tầng cũng như hạ tầng của hệ thống quản lý, quản trị bằng công nghệ của doanh nghiệp có 1.500 cửa hàng, 31.000 nhân viên này.
Đầu tiên là phương cách hoạt động của hệ thống: đường đi nước bước của từng đơn hàng, từng mẫu sản phẩm, quy trình hoạt động của nhà kho, cửa hàng, nhân viên… Sau đó là những công cụ, máy móc, công nghệ, kỹ thuật, cơ cấu… cụ thể để hệ thống giúp các quy trình vận hành mượt mà, nhanh và chính xác nhất.
Với hệ thống quản lý và giám sát khổng lồ đó, hầu như tất cả các thao tác trong các hoạt động của các bộ phận từ nhân sự, cung ứng, marketing, hành chính, quản lý…. đều được tự động hóa một cách tối đa, tiết kiệm rất nhiều nhân lực. Như tiết lộ của một nhân viên mua hàng; trước đây, để đặt smartphone cho toàn hệ thống cửa hàng của công ty, chị phải mất từ 3 đến 4 ngày, giờ chỉ còn 2 đến 3 tiếng. Bên cạnh đó, hệ thống còn giúp công việc của các nhân viên luôn diễn ra một cách suôn sẻ nhất có thể, không để khách hàng chờ đợi lâu.
Ấn tượng nhất là cách Thế Giới Di Động tối ưu hóa các công cụ (đặt server ở các nhà mạng khác nhau, phân tách khách hàng trong nước và quốc tế, sao lưu sẵn dữ liệu lên máy chủ …) để làm sao hệ thống phản hồi những yêu cầu từ khách hàng nhanh nhất có thể. Theo chia sẻ của công ty, hiện tại, thời gian mà website của họ phản hồi cho khách hàng là 2.07 giây. Tại các cửa hàng, không có chuyện khách hàng phải ngồi chờ lâu mới tới lượt mình được chăm sóc.
Để biết Thế Giới Di Động coi trọng hệ thống quản lý bằng công nghệ này như thế nào, chúng ta chỉ cần điểm qua các con số. Hiện tại, bộ phận công nghệ thông tin của họ có 320 nhân sự, mỗi năm ngốn của công ty tầm 100 tỷ đồng tiền lương thưởng; chi phí vận hành vào khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Câu hỏi được đặt ra sau buổi show off của Thế Giới Di Động là vì sao họ dám làm thế? Họ không sợ các đối thủ ăn cắp ý tưởng? Họ chẳng lo lắng hacker sẽ dễ dàng hack vào hệ thống? Họ không e ngại nhân tài của mình bị các công ty khác nhòm ngó?
Như chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, phản ứng đầu tiên của ông khi được đề nghị công khai chi tiết hệ thống quản lý của Thế Giới Di Động, là “không muốn”. Chẳng ai thích phơi bày lợi thế lớn nhất của bản thân cho bàn dân thiên hạ biết. Tuy nhiên, với vị thế người dẫn đầu, Thế Giới Di Động biết mình cần làm điều đó. Thêm nữa, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện tại, chỉ chia sẻ mới phát triển lâu dài.
Ngoài ra, Thế Giới Di Động đủ sự lớn mạnh và tự tin bảo vệ bản thân trước bất cứ sự tấn công nào từ bên ngoài.
Bởi, biết là một chuyện, có thể thực hiện được hay không là một chuyện khác. Thế Giới Di Động đã mất 13 năm mới kiện toàn được hệ thống như hiện tại. Thêm nữa, họ tự xây dựng ERP, có rất nhiều đặc thù chỉ phù hợp với cơ cấu của Thế Giới Di Động; các doanh nghiệp khác muốn copy về xài cũng khó. Đó là còn chưa kể phần nhân lực và tài lực khổng lồ để phát triển và vận hành nó.
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng tự tin về nhân viên của mình, cả về trình độ chuyên môn lẫn uy tín nghề nghiệp. Khi xây dựng hệ thống, các nhân viên của ông đã cực kỳ chú trọng các phương pháp bảo mật, đủ để đối phó với những hacker giỏi nhất Việt Nam. Hơn nữa, vì Thế Giới Di Động vừa có thể tạo niềm vui trong công việc cho nhân viên, vừa đãi ngộ rất hậu hĩnh; ông không sợ mất nhân tài.
Với những phản ứng của khán giả có mặt trong buổi hội thảo, có thể thấy hành động này của Thế Giới Di Động bổ ích và gây tiếng vang lớn như thế nào.
Chỉ cần 1 slide của 2 nhân sự ở bộ phận Công nghệ thông tin hiện lên trên màn hình, là các khán giả phía dưới vội vàng chụp lấy, chụp để. Còn trong phần Q&A sau buổi thuyết trình, là hàng trăm câu hỏi khác nhau của các nhân sự ở nhiều đơn vị hỏi về chiến lược, quy mô, quy trình, cách thực hiện… của Thế Giới Di Động.
Rõ ràng, rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cũng muốn có một hệ thống quản lý tiên tiến và hiện đại như Thế Giới Di Động, nhưng họ chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, như thế nào.
Hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp cần lắm những doanh nghiệp dũng cảm và biết chia sẻ thành tựu, bí quyết, chiến lược đã giúp họ thành công như Thế Giới Di Động, nhất là các công ty trong top 100 của Việt Nam.
Bài viết của tác giả Sa Mộc, được trích từ nhaquanly.vn