Contact Information

CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG & QUẢNG CÁO OSCAR TRẦN

21M Nguyễn Văn Trỗi
Phường 11, Quận Phú Nhuận
Tp.HCM

GKPD: 0317195213

Let's Talk

Đánh giá lại toàn bộ thiệt hại; kết nối lại với khách hàng, chuỗi cung ứng; kế hoạch phát triển kinh doanh ngắn hạn, dài hạn; theo dõi tin tức về tình hình dịch bệnh; lập kế hoạch dự phòng từ bài học cũ… là những cách đơn giản nhất để doanh nghiệp bạn phục hồi sau dịch bệnh.

Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành toàn cầu và các nhà dự báo vẫn chưa thể đưa ra được khoảng thời gian dịch bệnh có thể hạ nhiệt. Điều này xác định rằng, các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn vẫn sẽ phải chật vật đối mặt với vấn đề vận hành, trong đó yếu tố về tài chính và nhân sự được xem là khó khăn nhất. Song không phải đợi đến dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt bạn mới bắt tay vào việc đưa ra những giải pháp “tái thiết”, mà điều này nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Bài viết thể hiện quan điểm và tầm nhìn của tác giả đứng ở vị trí của một người vận hành doanh nghiệp nhỏ. Đâu đó sẽ có những cách nhìn vĩ mô hơn nhưng sẽ tuỳ vào quy mô doanh nghiệp để ra những quyết định cấp thiết nhất.

Đánh giá thiệt hại & Tìm kiếm sự hỗ trợ

Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ trong khoảng thời gian vừa qua, doanh nghiệp bạn đã thiệt hại đến mức nào, cả về tài chính lẫn nhân sự. Khi có con số thiệt hại cụ thể, bạn sẽ biết mình phải mất bao lâu để “lấy lại những gì đã mất”. Vấn đề tài chính ở đây không chỉ riêng việc bạn chi mà không có thu (hoặc hạn chế) trong thời gian dịch bệnh, mà còn nguồn vốn bạn phải bỏ ra để tái khởi động hoạt động kinh doanh. Hoạt động tuyển dụng lại nhân sự nếu như doanh nghiệp bạn có biến động về headcount trong thời gian vừa qua.

Sau đại dịch, Chính phủ cũng sẽ đưa ra các gói tài chính kích thích kinh tế nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hoặc các ngân hàng cũng sẽ có những động thái ưu đãi về gói tài chính phù hợp với từng quy mô doanh nghiệp. Nếu thực sự cần thiết, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ này.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tài liệu Covid-19 coronavirus: 10 key point để lập kế hoạch dự phòng hiệu quả do Allen & Overy biên soạn tại đây

Facebook cũng có một tài liệu hướng dẫn về Bộ công cụ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ chuẩn bị ứng phó với thảm họa mà bạn có thể tham khảo. Mục tiêu của bộ công cụ này là dẫn dắt mọi doanh nghiệp vững vàng vượt qua khó khăn, ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm hay hiểu biết về thảm họa. Bộ công cụ này có thể giúp doanh nghiệp của bạn:

  • Xác định những hoạt động kinh doanh quan trọng cần duy trì trong thời gian gián đoạn;
  • Dự trù những rủi ro ảnh hưởng đến doanh nghiệp;
  • Lập kế hoạch nghị lực kinh doanh dễ triển khai, phù hợp với doanh nghiệp bạn, vận dụng ngay trong trường hợp xảy ra thảm họa.

Tải bộ công cụ tại đây

Kết nối lại với khách hàng/ nhà cung ứng

Thực tế không phải khi dịch bệnh hạ nhiệt bạn mới rục rịch liên hệ khách hàng hay đối tác của mình. Điều đó bạn cần làm cả trong lúc dịch bệnh diễn ra. Việc kết nối và trao đổi cụ thể khi dịch hạ nhiệt sẽ giúp hai bên có cách nhìn tiệm cận hơn với vấn đề đang gặp phải.

Nếu bạn là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền thông (tạm gọi chung là agency), hãy kết nối với họ và lắng nghe họ đã thiệt hại những gì trong thời gian vừa qua và các giải pháp mà bạn có thể tư vấn giúp họ vượt qua. Đối với các dự án đã pending, việc khởi động lại có cần được “revise” lại phù hợp với bối cảnh mới hay không? Các chính sách hỗ trợ về giá hoặc KPIs mà bạn có thể đề xuất đồng hành cùng họ trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện bạn luôn đồng hành cùng “client” của mình.

Có rất nhiều hình thức liên lạc lại với khách hàng của bạn. Hãy tận dụng tất cả công cụ mà doanh nghiệp bạn có

Nếu bạn là một doanh nghiệp bán buôn, bạn cũng có thể kết nối lại với các khách hàng thân thiết, hoặc nếu bạn có một cơ sở dữ liệu đã tích hợp trong hệ thống, có thể gọi hoặc gửi mail hoặc sms marketing để nhắc nhở họ bạn đã hoạt động trở lại. Bạn cũng cần đưa ra các chương trình ưu đãi (giảm giá, gói combo, quà tặng kèm…) kích thích họ đến cửa hàng.

Có một điều bạn nên lưu ý rằng, khi bạn tái hoạt động trở lại, đối thủ của bạn cũng sẽ làm điều tương tự, nghĩa là bạn cũng sẽ phải có những chính sách bán hành cạnh tranh phù hợp. Thời gian này, sức mua và sự tận hưởng của người dùng sẽ rất cao bởi họ thực sự rất có nhu cầu sau thời gian cách ly xã hội.

Bạn cũng nên làm việc với các nhà cung ứng của mình để tìm hiểu họ có khó khăn gì hay không, đảm bảo bạn có đủ các sản phẩm hàng hoá mà bạn cần. Nhà cung ứng thời gian này họ cũng sẽ rất tất bật vì họ cũng không có sẵn hàng tích trữ trong thời gian dịch bệnh kéo dài vừa qua.

Kế hoạch phát triển kinh doanh ngắn hạn, dài hạn

Bạn sẽ không thể đảm bảo dịch bệnh Covid-19 sẽ hoàn toàn lắng xuống, bởi nếu chưa tìm được vacxin hữu hiệu thì dịch bệnh vẫn có thể tái phát lại bất cứ lúc nào. Cho đến thời điểm toàn cầu đưa ra nhận định Covid-19 hạ nhiệt, thì giải pháp “cách ly xã hội/ giãn cách xã hội” vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất. Nghĩa là, doanh nghiệp của bạn vẫn sẽ phải đối mặt với việc đặt một giới hạn năng suất kinh doanh, chuẩn bị mọi tình huống ứng phó kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Ngay trong lúc đại dịch lên đỉnh điểm, các doanh nghiệp vẫn đưa ra những giải pháp bán hàng an toàn cho khách hàng. Ảnh: Highlands Fanpage

Theo Forbes, sẽ có 4 yếu tố1https://www.forbes.com/sites/brucelee/2020/03/26/how-long-should-social-distancing-last-when-will-covid-19-coronavirus-end/#784aa994429a giúp xác định việc “cách ly xã hội/ giãn cách xã hội” nên duy trì trong bao lâu:

  • Thứ nhất, khi có đủ miễn dịch cộng đồng.
  • Thứ hai, khi có vacxin hiệu quả. Cách để tạo miễn dịch cộng đồng mà không cần phần lớn dân số nhiễm virus.
  • Thứ ba, nếu tình trạng lây nhiễm giảm đi vào mùa hè thì việc “cách ly xã hội/ giãn cách xã hội” sẽ được nới lỏng hơn. Bởi vì, các chuyên gia nghiên cứu hy vọng rằng, Covid-19 có thể hoạt động giống virus cúm và nếu giảm lây nhiễm tương tự thì có thể nới lỏng biện pháp “cách ly xã hội/ giãn cách xã hội” trong các tháng mùa hè, nghĩa là cả nhà chức trách và cộng đồng được “relax” để lên kế hoạch ứng phó tiếp theo.
  • Thứ tư là virus có sự biến đổi. Trên lý thuyết, các virus như Covid-19 có thể biến đổi. Nó có khả năng ít tai hại hơn và có thể thay thế chủng phổ biến hiện tại. Song cũng không loại trừ một biến thể tồi tệ hơn cũng có thể xuất hiện.

Theo bác sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ hàng đầu nước Mỹ, nhận định “nhân tố” thay đổi cuộc chơi cuối cùng trong cuộc chiến chống Covid-19 vẫn là vacxin. Khi nào thực sự có vacxin thì lúc đó chúng ta mới có thể gạt qua sự thấp thỏm trong kinh doanh và bình thường hoá cuộc sống.

Trước khi có vacxin dành cho Covid-19, “cách lý xã hội/ giãn cách xã hội” vẫn là giải pháp tốt nhất. Ảnh: Pixabay

Trở lại với vấn đề phát triển kinh doanh, bạn có thể hoạch định kế hoạch từng tháng và trong quý gần nhất. Dựa vào những đánh giá thiệt hại mà bạn vừa thống kê, hướng đi miễn sao có thể có nguồn tài chính thu về càng ổn định càng tốt. Ngoài ra, nó cũng còn tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh mà bạn cập nhật từ các cơ quan của Chính phủ và truyền thông có uy tín. Hay nói nôn na là kế hoạch của bạn phải được “update” gần như là “real time”, mọi sự biến động đều phải có giải pháp kịp thời.

Bài học “đau đớn Covid-19” và kinh nghiệm ứng phó

Rõ ràng, Covid-19 là một cú shock rất lớn đối với doanh nghiệp. Chắc hẳn, các doanh nghiệp cũng đã thấm đòn và rút ra những kinh nghiệm còn đáng giá hơn cả “kim cương”. Chúng ta sẽ có rất nhiều kịch bản cần tiên lượng trước để tránh đi vào vết xe đỗ.

Dưới đây là case study về cách ứng phó với Covid-19 khi dịch bệnh có dấu hiệu tác động đến giới kinh doanh tại Việt Nam. Bài chia sẻ của chị Diep Nguyen – Chủ một chuỗi nhà hàng tại Tp.HCM về câu chuyện “Chúng tôi đã làm gì trong mùa dịch?”. Blog đã xin phép tác giả và trích dẫn toàn bộ nội dung.

  • Ngay khi dịch khởi phát, chúng tôi đã ngồi xuống nhìn lại lượng tiền mặt mình có là bao nhiêu, dựa trên khoản chi thực tế chúng tôi tính toán xem đủ tồn tại trong bao lâu nếu nguồn thu về không có.
  • Từ đó chúng tôi vẽ ra các tình huống có thể xảy ra, từ tình huống xấu nhất đến tình huống tươi đẹp nhất, trong các trường hợp đó chúng tôi sẽ cắt giảm các chi phí ở đâu, chiến lược sẽ là gì? Cố thủ hay thay đổi sản phẩm, hay thay đổi mô hình?
  • Ứng với mỗi tình huống chúng tôi tiên liệu chúng tôi biết lượng tiền cần phải chi như thế nào hoặc hành động cắt giảm chi phí sẽ tương ứng đến đâu? ví dụ: tháng đầu chúng tôi thương lượng chủ nhà giảm tiền nhà, cắt giảm lượng hàng nhập vào, tiết kiệm tối đa các chi phí operation như điện nước. Nếu kéo dài đến tháng thứ 2, chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ của nhân viên bằng cách cắt giảm lương. Tỷ lệ cắt giảm tuỳ thuộc từng vị trí mức lương để đảm bảo nhân viên vẫn đủ mức sống. Chúng tôi kêu gọi nhân viên nghỉ bớt một số ngày trong tháng không nhận lương. Việc này vừa giảm chi phí, vừa giúp các em lấy lại năng lượng, duy trì sức khoẻ.
  • Trong khủng hoảng này chúng tôi chọn chiến lược cố thủ, bảo toàn tài chính thay vì thay đổi mô hình bởi thay đổi mô hình buộc chúng tôi phải chi thêm tiền, dịch Covid phức tạp khó đoán trước như thế nào nên sẽ khó có khách hàng ngay, bạn vẫn phải cần một lượng tiền bơm vào để kéo khách trong một thời gian. Ngoài chiến lược bảo toàn tài chính, cần phải có chiến lược tập trung, tức là bạn phải cắt bỏ những râu ria để tập trung cho cái trọng điểm. Bạn cắt bỏ những outlet nhỏ, doanh thu và lợi nhuận nhỏ hơn để không phải bơm tiền nuôi sống chúng lúc này. Tập trung tài chính cho outlet mang lại cho bạn doanh thu và lợi nhuận lớn nhất.
Bài chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khi Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam, được chị Diep Nguyen chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.
  • Vì dùng chiến lược cố thủ nên chúng tôi không đổ tiền chạy add hay các quảng cáo trong giai đoạn này. Bởi bạn có quảng cáo mọi người cũng sẽ không ra đường, không đến chỗ đông người lúc này. Thực chất của vấn đề là sự an toàn sức khoẻ, không phải vì sự thu hút của promotion giúp họ thay đổi hành vi tiêu dùng lúc này.
  • Chưa hết, trong giai đoạn này, chúng tôi chỉnh sửa một số sản phẩm phù hợp hơn với hoàn cảnh như ra sản phẩm mới có thể delivery (bún giao đi), cho ra các sản phẩm phụ phù hợp trong mùa dịch ví dụ thực phẩm giúp tăng đề kháng, bảo vệ sức khoẻ (mật ong rừng ngâm tỏi cô đơn chẳng hạn).
  • Chúng tôi cũng không lơ là trong chuyện chuẩn bị nội lực để sẵn sàng khi hết dịch thì tăng tốc để thu về doanh thu tối đa nhất. Giai đoạn này chúng tôi thực hiện nghiên cứu sản phẩm mới, củng cố lại quy trình phục vụ cho tốt hơn, đào tạo nhân sự, phỏng vấn sâu khách hàng để hiểu insight khách hàng từ đó có chiến lược tái định vị hoặc thay đổi chiến lược truyền thông khi qua mùa dịch.
  • Chúng tôi không quên việc chăm sóc khách hàng bằng việc gửi sms thăm hỏi động viên khách giữ sức khoẻ và tinh thần lạc quan trong mùa dịch. Hỗ trợ những sự kiện hoặc tiệc tại địa điểm của chúng tôi một cách tối đa không đặt nặng tài chính để mọi người cảm thấy thoải mái nhất, hiểu rằng chúng tôi song hành cùng khách hàng trong giai đoạn khó khăn.
  • Chưa biết rằng chúng tôi sẽ tồn tại tới đâu và vượt qua khủng hoảng này như thế nào vì diễn biến dịch Covid – 19 phức tạp khó đoán. Nhưng tại thời điểm này chúng tôi làm hết sức mình bằng sự tỉnh táo và niềm tin mọi việc sẽ sớm trở lại bình thường. Những chia sẻ này tôi không cho rằng là đúng với tất cả mọi người, nhưng đâu đó tôi nghĩ sẽ giúp các anh chị có ý niệm để vạch ra những phương thức cho riêng mình. Chúc mọi người sức khoẻ, bình an và sớm vượt qua khủng hoảng.

Sẽ còn rất nhiều những bài học và kinh nghiệm mà doanh nghiệp tích góp được trong đợt dịch bệnh Covid-19 mà Blog chưa được tiếp cận. Song với bài chia sẻ trên sẽ giúp doanh nghiệp bạn tiếp thu kinh nghiệm và đưa ra được giải pháp ứng phó kịp thời. Blog chắc rằng, thời gian vừa qua vẫn có nhiều doanh nghiệp bán buôn nhỏ không biết cách ứng phó tức thời.

Rất chật vật nhưng cứ lạc quan

Giả dụ dịch bệnh Covid-19 thực sự hạ nhiệt và bối cảnh lý tưởng nhất là mọi hoạt động của xã hội sẽ trở lại bình thường, thì doanh nghiệp cũng sẽ rất chật vật với nền kinh tế đang bị tổn thương nghiêm trọng.

Theo dự báo vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3/4/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm tốc đáng kể, chỉ còn 4,8% do tác động của dịch Covid-19 và sự suy giảm thương mại toàn cầu.

Trong báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách ứng phó do Đại học Kinh tế Quốc dân công bố hôm 3/4/2020, nhóm nghiên cứu phát hoạt bức ảnh mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch:

  • Trường hợp dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, có 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất, 18,1% phải tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản.
  • Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vì chỉ còn 14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động, 46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm quy mô, 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.
  • Trường hợp dịch kéo dài đến hết tháng 9-2020, sẽ có 19,3% doanh nghiệp phá sản, kéo dài đến hết năm 2020 khoảng 39,3% doanh nghiệp sẽ phá sản.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể lạc quan hơn để “tái thiết” kinh doanh. Báo cáo cũng đưa ra nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể hồi phục trong Quý 3/2020, theo 3 kịch bản mà nhóm nghiên cứu vạch ra.

Bạn có thể tải Báo cáo Tác động của Covid-19 đến nền Kinh tế tại đây

Ở một nhận định khác, theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ, dù các hoạt động kinh tế giảm xuống và các rủi ro do của đại dịch vẫn còn, song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

OscartranAds

 


THÔNG ĐIỆP TỪ BLOG

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo vệ chính bản thân mình và cộng đồng, hãy chủ động khai báo sức khoẻ của bạn hằng ngày trên ứng dụng NCOVI. Trên ứng dụng này cũng cung cấp số liệu toàn cảnh về Covid-19 tại Việt Nam.

Giao diện ứng dụng NCOVI

Đây là ứng dụng chính thức của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm hỗ trợ người dân toàn quốc khai báo y tế tự nguyện, góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. 

DÀNH CHO ANDROID DÀNH CHO iOS

 

 

Share:

Chào mọi người! Mình là Cường (Oscar), mình là Creator tại OscartranAds Digital Blog. Nơi đây sẽ là kênh thông tin chia sẻ kinh nghiệm về Social Media - Facebook Marketing và PR/Content Marketing. Hy vọng OscartranAds sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho các bạn và mong nhận được sự góp ý của mọi người để thông tin được chia sẻ chất lượng và phong phú hơn.