Hiện tại, bạn đã quen dần với việc nhường như cứ trung bình 48 tiếng sẽ nhận được một tin nhắn SMS từ Bộ Y Tế, UBND Tp.HCM.. cập nhật thông tin phòng chống Covid-19. Cùng tìm hiểu cách Chính phủ gửi tin nhắn đến toàn dân chống lại đại dịch này nhé!
Thực tế, trong xu thế kỷ nguyên số, việc tận dụng big data để quản lý hay xử lý một đại dịch, thảm hoạ sẽ là cách nhanh nhất đưa thông tin đến người dân. Không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh Quốc… đều đang áp dụng hình thức gửi tin nhắn SMS cập nhật tình hình Covid-19 đến công dân của mình.
Tại Hàn Quốc, cứ khoảng 3 đến 5 ngày một lần, Chính phủ sẽ gửi các thông tin khẩn cấp từ các quan chức đến người dân. Họ mô tả chi tiết vị trí và sự di chuyển chính xác của những người đã thử nghiệm dương tính với Covid-19 mới. Hoặc họ đưa ra những lời nhắc nhở và hướng dẫn thường xuyên về cách ngăn ngừa bệnh lây lan.
Chẳng hạn, ngày 25/02 đại diện của một quận đã gửi một tin nhắn chi tiết về sự di chuyển liên tục của một người ở bốn ngày trước đó, cho đến khoảng giờ cụ thể họ đang ở một trường tiểu học, trung tâm thị trấn và cửa hàng tạp hóa. Hay một tin nhắn đến từ Trụ sở cơ quan Cứu trợ Thảm họa Trung ương vào ngày 26/3 đã cung cấp những thông tin rất cần thiết cho người dân Đại Hàn về việc hướng dẫn nên làm hàng ngày như cách ly xã hội, rửa tay, các biểu hiện ho và cách chăm sóc người cao tuổi.
Bạn cũng sẽ bắt gặp điều tương tự này tại Việt Nam. Thời gian vừa qua tin nhắn SMS từ nhà mạng với những thông tin người gửi như Bộ Y Tế, UBND TP.HCM, Sở ngành đều đã tích cực cập nhật thông tin về tình hình dịch Covid-19 nhanh chóng và kịp thời đến toàn bộ người dân.
Có 3 cách để thực hiện triển khai gửi SMS
Theo CNN, có ba cách giúp Chính phủ truyền thông điệp qua tin nhắn SMS đến hàng triệu dân cùng lúc mà không cần biết rõ số điện thoại từng người.
Cách Đầu tiên là thông qua các công ty viễn thông
-
- Cơ quan này sẽ tuân theo chỉ thị của Chính phủ và được yêu cầu gửi thông tin cảnh báo đến người dân. Chẳng hạn như trong đại dịch Covid-19 hoặc các vấn đề quan trọng tương tự khác.
- Nhà mạng sẽ không gửi đồng loạt một lần đến tất cả những số thuê bao mà họ có, mà sẽ gửi thông tin cho lần lượt từng nhóm người dùng theo từng khu vực để tránh nghẽn mạng, điều này lý giải vì sao có người nhận trước, người nhận sau.
Cách thứ 2 là gửi tin nhắn tới từng cell (Cell Broadcast)
-
- Theo Javier Colado, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty phần mềm về hành chính công và tổ chức sự kiện quan trọng Everbridge của Anh, đây là một trong hai cách còn lại giúp Chính phủ gửi tin nhắn cho tất cả người dân mà không cần phải thông qua nhà mạng.
- Tuỳ chọn này sẽ sử dụng các tháp di động (cellular tower) và tế bào vô tuyến (radio cell), cho phép nhà mạng gửi đồng thời tới nhiều thuê bao trong vùng phủ sóng đã được xác định, mà không cần truy cập bất kỳ thông tin cụ thể nào trên thẻ sim hay số điện thoại. Cách này có thể tiếp cận hơn 80% dân số, kể cả những người tắt kết nối dữ liệu di động.
Cách thứ 3 là nhắn tin dựa trên vị trí
-
- Cách này cho phép việc vửi SMS hướng đến nhóm người tại một địa điểm cụ thể thông qua vị trí của họ. Chính phủ có thể chọn một khu vực trên bản đồ và gửi tin nhắn đến những người đang hiện diện ở đó. Cách này đối với người nhận họ cũng có thể tuỳ chọn nhận thêm thông tin hoặc tương tác.
- Colado giải thích thêm, cách này “Tin nhắn sẽ không đi nhanh như Cell Broadcast, nhưng Chính phủ có thể hỏi mọi người nếu cần sự giúp đỡ, hỗ trợ về thông tin y tế nếu họ có các triệu chứng của bệnh”
Các quốc gia đang chọn cách thức gửi SMS nào?
- Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng như chính quyền các tỉnh, thành phố, cơ quan hữu quan đã lựa chọn cách gửi tin nhắn SMS thông qua các công ty viễn thông.
- Mỹ và Hàn Quốc đang dùng cách gửi SMS đến công dân của mình qua Cell Broadcast.
- Tại Úc, họ chọn hình thức gửi SMS dựa trên vị trí của người dùng vì nó có độ chính xác cao và tỷ lệ gửi tin nhắn thành công đạt tới 97%, cao hơn nhiều so với Cell Broadcast. Theo Michael Hallowes, người từng triển khai hệ thống cảnh báo khẩn cấp cho chính phủ Úc nói rằng, “cách này thậm chí có thể chỉ gửi cho những người đang ở trong công viên nhỏ hoặc một tòa chung cư cụ thể. Trong trường hợp cần sơ tán, cơ quan an ninh có thể dùng bản đồ nhiệt để kiểm tra xem công dân có tuân thủ hay không”.
Ranh giới giữa quyền riêng tư và sự an toàn của người dân
Các quốc gia phát triển trên thế giới đều đang đầu tư vào big data, và cách mà họ đang sử dụng big data để “theo dõi và bảo vệ” công dân mình đều tuân theo một chính sách hoặc một đạo luật riêng, chủ yếu là bảo toàn sự dân chủ và quyền riêng tư người dân. Song ranh giới trong việc sử dụng big data đảm bảo sự an toàn của người dân và quyền riêng tư cũng rất mong manh.
Nếu đề cập đến một quốc gia tận dụng triệt để dữ liệu công dân vào việc theo dõi, đánh giá điểm tín nhiệm xã hội hay gần đây nhất là theo dõi, tìm kiếm, quản lý người dân trong cuộc chiến đại dịch Covid-19, thì Trung Quốc đang được chú ý nhiều nhất. Tiếp theo có thể kể đến Hàn Quốc, Úc, Mỹ. Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang bị tụt lại phía sau do quy định về quyền riêng tư và các điều luật bảo vệ dữ liệu người dùng ẩn danh.
Tại Trung Quốc, khi dịch Covid-19 bùng phát, quốc gia này đã thiết lập hệ thống đo thân nhiệt mới và đặt tại nhà ga ở các thành phố lớn, Chính phủ Trung Quốc cũng ứng dụng AI và Big Data để phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, hệ thống nhận diện khuôn mặt và quản lý danh tính giúp cơ quan chức năng theo dõi những trường hợp nghi nhiễm và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Thời điểm dịch Covid-19 lên đỉnh điểm tại Trung Quốc, nhà mạng China Mobile thường xuyên thông báo cho các hãng truyền thông về các ca nhiễm, gồm lịch sử di chuyển, thậm chí chỗ ngồi trên một chuyến tàu cụ thể. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc triển khai ứng dụng di động mang tên “Close Contact Detector” để người dân chủ động cập nhật tình hình sức khoẻ của mình. Khi nhập tên và số ID, người dân có thể quét mã QR để kiểm tra họ có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 hay không.
Ứng dụng này đến nay đã có hơn 200 triệu người dùng. Nhiều người cho rằng họ chấp nhận cung cấp thông tin để được an toàn trước dịch bệnh, nhưng họ cũng lo ngại liệu Chính phủ có sử dụng dữ liệu này cho mục đích khác hay không.
Thực tế vào năm 2018, EU từng thông qua một dự thảo trong đó cho biết đến tháng 6/2022, tất cả các quốc gia thành viên sẽ có hệ thống cảnh báo di động để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Chẳng hạn, Đức, Áo, Bỉ và Italy đang sử dụng dữ liệu vị trí ẩn danh để xác định những ai tụ họp nơi công cộng, kể cả khi khóa máy. Anh Quốc cũng đã thử nghiệm một hệ thống tương tự từ 2014 song không đưa vào sử dụng do vấp phải nhiều vấn đề về tự do cá nhân. Điều này cũng là lý giải vì sao hồi giữa đầu tháng 3/2020, nước này phải thông qua nhà mạng để gửi tin nhắn SMS về Covid-19 trên toàn quốc.
Colado, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty phần mềm về hành chính công và tổ chức sự kiện quan trọng Everbridge của Anh cho biết do hậu quả của đại dịch Covid-19, một số quốc gia hiện đang tăng cường nỗ lực, tìm đến công ty của ông trong những tuần gần đây để được giúp đỡ, tuy nhiên rào cản về thời gian vẫn là yếu tố then chốt. Ông cũng nhận định thêm, trước những tác động không thể lường trước của Covid-19, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều chính phủ xây dựng hệ thống cảnh báo khẩn cấp thời gian tới.
OscartranAds (Tham khảo: CNN)
THÔNG ĐIỆP TỪ BLOG
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo vệ chính bản thân mình và cộng đồng, hãy chủ động khai báo sức khoẻ của bạn hằng ngày trên ứng dụng NCOVI. Trên ứng dụng này cũng cung cấp số liệu toàn cảnh về Covid-19 tại Việt Nam.
Đây là ứng dụng chính thức của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm hỗ trợ người dân toàn quốc khai báo y tế tự nguyện, góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.